Lịch sử phát triển

KHOA ĐIỆN – QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Khoa Điện – Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh được hình thành và phát triển từ Ban Hàn – Gò – Điện của Trường Công nhân Kỹ thuật Vinh theo quyết định số 113CP/PG ngày 08/04/1960 của Thủ tướng Chính phủ. Trải qua 60 năm phát triển với nhiều cung bậc thăng trầm của lịch sử. Đến nay, Khoa đã trở thành một trong những khoa lớn mạnh của Nhà trường về cả quy mô và chất lượng đào tạo. Nhìn lại lịch sử 60 năm để các thế hệ học sinh, sinh viên, học viên và giảng viên tự hào về những đóng góp của mình trong sự phát triển của khoa cũng như sự phát triển chung của Nhà trường. Qua đó thấy được những tình cảm, trách nhiệm của mình trong sự nghiệp phát triển của khoa trong chặng đường tiếp theo.

Được thành lập năm 1960, cùng với sự thành lập của Nhà trường, Trường Công nhân Kỹ Thuật Vinh, nghề Điện lúc đầu với số lượng chỉ 04 cán bộ, giáo viên (02 giáo viên, 02 công nhân), 12 học sinh cho khóa đào tạo đầu tiên. Do thời điểm này đất nước còn nghèo, sản xuất còn lạc hậu nên nhu cầu của xã hội về nghề Điện còn rất ít vì thế quy mô đào tạo về nghề Điện còn nhỏ và nghề Điện chỉ là một nghề nằm trong Ban nghề Gò – Hàn – Điện của Nhà trường.

Năm 1961 – 1962, do nhu cầu về nghề Điện của xã hội hạn chế nên khóa 2, khóa 3 Nhà trường không mở lớp đào tạo về nghề Điện. Đến năm 1963, Nhà trường lại tiếp tục mở lớp đào tạo nghề Điện khóa 4. Năm 1963, nghề Điện lại không tuyển sinh được khóa mới. Đến năm 1965, tuyển sinh đào tạo khóa 6 của Nhà trường có nghề Điện và những năm tiếp theo nghề Điện tiếp tục được đào tạo nhưng do nhu cầu xã hội của đất nước trong giai đoạn này về nghề Điện không nhiều nên số lượng mỗi lớp cũng rất hạn chế chỉ khoảng 12 đến 15 học sinh.

Năm 1968, Nhà trường bắt đầu đào tạo nghề Động lực và nghề Điện được chuyển từ Ban nghề Gò – Hàn – Điện sang thành lập Ban nghề Điện – Nổ. Từ đó, nghề Điện liên tục được tuyển sinh và đào tạo. Tính đến năm 1975 nhà trường đã đào tạo cho ra trường được hơn 600 công nhân kỹ thuật sửa chữa điện xí nghiệp.

Trong điều kiện đất nước có chiến tranh, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang dốc lòng, dốc sức vì sự nghiệp giải phóng dân tộc ở miền Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Tất cả đã cố gắng hết sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ, một số đồng chí đã anh dũng hi sinh trên các nẻo đường công tác trong thời kỳ chiến tranh.

Ngày 30/04/1975, đất nước hoàn toàn được giải phóng, non sông thu về một mối. Cả nước chuyển sang một thời kỳ mới, nhiệm vụ mới, thời kỳ thực hiện công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế. Cuối năm 1975 theo quy hoạch đào tạo của chính phủ, các giáo viên nghề Điện xí nghiệp của Trường Dạy nghề Vinh được thuyên chuyển sang Trường Cơ Điện Tỉnh, tỉnh Nghệ An với nhiệm vụ giảng dạy và đào tạo đội ngũ cho Trường Cơ Điện Tỉnh. Một số ít giáo viên ở lại với nhiệm vụ hướng dẫn thực tập nghề liên quan cho các nghề cơ khí và làm công tác sửa chữa điện. Về cơ sở vật chất đào tạo nghề Điện được điều chuyển ra bổ sung cho trường Nam Hà – nay là Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định.

Tháng 10 năm 1989, trước yêu cầu đào tạo nghề trong sự phát triển của đất nước. Được sự nhất trí của Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, Nhà trường đã tổ chức đào tạo trở lại nghề Điện xí nghiệp và Ban Điện được chính thức ra đời, với tên gọi chuyên ngành mới: “Sửa chữa Điện xí nghiệp và dân dụng”. Thời gian này, Ban Điện vừa phải xây dựng cơ sở vật chất vừa tổ chức đào tạo, mọi cái gần như phải làm lại từ đầu. Nhà trường cho phép Ban Điện cử một số giáo viên ra Hà Nội, Hà Nam Ninh, vào các tỉnh phía Nam để tham khảo học tập, xây dựng nội dung khung chương trình mới hợp lý, chọn lọc, đáp ứng bước đầu trước các yêu cầu cấp bách của đào tạo, xã hội.

Trong thập niên cuối của thế kỷ 20 (1990 – 2000) đội ngũ giáo viên của Ban Điện lúc nhiều nhất chỉ có 11 người (trong đó có 7 giáo viên là kỹ sư, kỹ sư sư phạm, 4 giáo viên dạy nghề). Khối lượng công việc lớn, phức tạp, vừa xây dựng củng cố, vừa đào tạo với tất cả tâm huyết của tập thể giáo viên trong Ban để đạt được mục tiêu. Đến tháng 8/1992, Ban Điện đã đào tạo được 230 em đạt trình độ nghề từ bậc 2/7 đến bậc 3/7 (chưa tính đến số học sinh của các trung tâm giáo dục dạy nghề của các huyện Yên Thành, Hưng Nguyên… (tỉnh Nghệ An) đến Can Lộc, thị xã Hà Tĩnh… được gửi đến trường học bồi dưỡng 3 tháng, 6 tháng…

Tháng 10/1992 được sự nhất trí của Bộ giáo dục và đào tạo, Ban Điện được phép đào tạo giáo viên dạy nghề bậc Cao đẳng với số lượng tuyển sinh 107 em. Có thể nói đây là một bước đột phá mới trong công tác đào tạo của trường. Số sinh viên này sau bốn năm học tập đã tốt nghiệp ra trường với tỷ lệ cao (hơn 90% vào tháng 5/1996).

Từ năm 1993 trở đi, Ban Điện còn đảm nhận thêm nhiệm vụ đào tạo giáo viên dạy nghề hệ chuyên tu bậc Cao đẳng, Trung cấp… cho các tỉnh từ Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… Tại Nghệ An, lớp trung cấp phát dẫn điện hệ chuyên tu do Ban Điện chịu trách nhiệm tổ chức từ tháng 4/1993 đến 4/1994 đã được Sở Điện lực Nghệ An đánh giá cao.

Năm 1999 với yêu cầu phát triển của công tác đào tạo các ngành nghề trong giai đoạn mới, Ban Điện sát nhập cùng ngành Điện tử và đổi tên thành khoa Điện – Điện tử.

Ngày 14/04/2006, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 78/2006/QĐ-TTg về việc thành lập trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh. Và do quy mô phát triển ngày càng lớn mạnh của các ngành Điện nên ngày 03 tháng 5 năm 2006, khoa Điện trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh được chính thức thành lập và tách ra từ khoa Điện – Điện tử.

Đi suốt theo chiều dài lịch sử phát triển của Nhà trường, khoa Điện đã trải qua nhiều cung bậc thăng trầm, nhiều giai đoạn khó khăn nhưng với sự nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ thầy và trò đã đem lại cho khoa Điện một tầm vóc, một vị thế mới như ngày hôm nay.

Hiện nay, khoa Điện có tổng số cán bộ giảng viên toàn khoa là 29 người, trong đó có 06 Tiến sĩ, 1 NCS, 19 Thạc sĩ, 03 kỹ sư. Thực hiện công tác đào tạo cho 01 ngành Sau Đại học, 02 ngành Đại học và 04 ngành Cao đẳng với lưu lượng sinh viên, học viên hàng năm khoảng 1100 người đến từ khắp các vùng miền của Tổ quốc. Mặc dù đã trải qua nhiều cung bậc thăng trầm, nhưng khoa Điện luôn tạo dựng và khẳng định được uy tín, chất lượng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, ứng dụng công nghệ tại Việt Nam, đặc biệt là khu vực Bắc Trung bộ.

Cơ cấu tổ chức hiện nay của khoa

  • Lãnh đạo khoa: gồm 1 trưởng khoa và 2 phó trưởng khoa
  • Trợ lý & giáo vụ: 05 người.
  • Bộ môn Điều khiển & Tự động hóa: 08 Giảng viên
  • Bộ môn Kỹ thuật điện: 06 Giảng viên
  • Xưởng Điện: 09 Giảng viên

Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và phát triển mạnh mẽ nền kinh tế tri thức, khoa Điện đang đứng trước những thời cơ và thách thức mới. Kỷ niệm 60 năm thành lập Khoa cùng với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh là dịp để nhìn lại một chặng đường nhiều khó khăn, gian khổ nhưng cũng rất vinh quang. Qua đó, tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên thấy được niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của khoa Điện và của Nhà trường cũng như thấy được những tình cảm, trách nhiệm của mình để đồng tâm, nhất trí, đoàn kết vững bước tiếp nối hướng tới tương lai, phấn đấu đưa khoa Điện trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức hàng đầu về lĩnh vực Kỹ thuật điện, điện tử; Điều khiển và tự động hóa trong khu vực Bắc miền trung.

                                                                                                                                              Nghệ An, ngày 25 tháng 11 năm 2020