Sức khỏe, về cơ bản, chính là trạng thái “vắng bóng” bệnh tật. Một người ít bệnh, về cơ bản, nghĩa là người đó có sức khỏe tốt. Trong khi với điều kiện thể chất của một số người khiến mầm bệnh có điều kiện phát triển, người đó được gọi là có sức khỏe kém. Tuy nhiên, phạm vi hạn hẹp của định nghĩa “sức khỏe” đã làm giới hạn hiểu biết của chúng ta về khái niệm “khỏe mạnh” (well-being), cản trở những nỗ lực điều trị và đưa ra những biện pháp phòng ngừa của các bác sỹ.
Do đó, rất nhiều tổ chức cũng như các bác sỹ nhìn nhận sức khỏe một cách toàn diện dựa trên mô hình Tâm-sinh-xã (Biopsychosocial – BPS). Khái niệm “khỏe mạnh” được nhấn mạnh, trong đó, tình trạng sức khỏe tốt được đánh giá dựa trên mô hình Tâm-sinh-xã kèm theo chất lượng sống tốt và những mối quan hệ lành mạnh
1.Giới thiệu tổng quan về mô hình Tâm-sinh-xã:
Vào năm 1977, Bác sĩ Tâm thần học người Mỹ George Engel đã giới thiệu một học thuyết chính trong y học, đó là mô hình Tâm-sinh-xã hội. Mô hình này chính là sự liên kết bền chặt và tương tác qua lại giữa 3 yếu tố sinh học, tâm lý và xã hội. Trên thực tế, mô hình này đi kèm theo sự chuyển đổi mạnh mẽ giữa từ các chứng bệnh đến sức khỏe, thừa nhận các yếu tố tâm lý có ảnh hưởng đến quá trình hồi phục bệnh. (như niềm tin, những mối quan hệ hay stress)
Trong khi mô hình y-sinh học truyền thống chỉ tập trung vào sinh lý bệnh và các căn nguyên sinh học của bệnh thì mô hình này đã tiếp cận được cả mối liên kết giữa sinh học – tâm lý và xã hội. Mô hình tâm-sinh-xã này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt sức khỏe cũng như bệnh tật của con người vào trong một hoàn cảnh đầy đủ nhất
2. Phân tích các thành tố cấu tạo nên mô hình Tâm-sinh-xã:
Đối với yếu tố Sinh học, mô hình này xem xét các khía cạnh sinh học ảnh hưởng đến sức khỏe. Các khía cạnh bao gồm sự thay đổi của não bộ, di truyền hoặc chức năng của các cơ quan chủ chốt trong cơ thể (như gan hay thận, hay thậm chí là hệ vận động). Ví dụ như Bệnh nhân A gặp tai nạn khiến cô ấy suy giảm khả năng vận động cánh tay phải. Sự thay đổi về mặt sinh học này có thể tác động đến suy nghĩ của cô ấy về bản thân mình, điều này có thể dẫn đến trầm cảm hoặc rối loạn lo âu trong một số tình huống nhất định
Yếu tố Tâm lý, trong mô hình này đề cập tới những điều như suy nghĩ, cảm xúc hay hành vi. Bệnh nhân A nói ở trên có thể trải qua nhiều biến đổi tâm lý khác nhau. Cô ấy có thể cảm thấy lòng tự trọng bị sụp đổ, sợ hãi bởi những chỉ trích kì thị hoặc cảm thấy không công bằng trong cuộc đời hay công việc. Những sự thay đổi trong suy nghĩ sẽ dẫn đến sự thay đổi trong hành vi, như phản ứng né tránh trong một số tình huống nhất định, ở lì trong nhà hoặc bỏ việc. Và khi dấn sâu vào những hành vi này, những tổn thương thực thể có thể trở nên tệ hại hơn, thâm chí chứng trầm cảm và lo âu ở bệnh nhân này có thể tồi tệ hơn.
Phần xã hội trong mô hình Tâm-sinh-xã này đề cập đến những yếu tố xã hội có thể tác động đến sức khỏe của cá nhân, như sự tương tác giữa người với người, yếu tố văn hóa cũng như tiềm lực kinh tế. Một trong những yếu tố xã hội đối với bệnh nhân A nói trên chính là vai trò của cô ấy trong công việc nội trợ. Có thể cô ấy mới sinh con, chấn thương tay có thể ảnh hưởng đến khả năng chăm sóc cho đứa trẻ con của cô. Việc không thể hoàn thành vai trò xã hội này có thể gây ra những vấn đề trực tiếp đối với chồng cô A và các thành viên còn lại trong gia đình. Gây ra stress đối với cô A và dẫn đến những vấn đề tâm sinh lý trầm trọng hơn.
Các thành tố cấu tạo nên mô hình Tâm-sinh-xã đều có mối tương quan chặt chẽ với nhau. Sinh học ảnh hưởng đến tâm lý, tâm lý ảnh hưởng đến xã hội và xã hội lại tác động ngược lại sinh học. Đối với bệnh nhân A, tình trạng sinh học của cô thay đổi, điều này đã ảnh hưởng đến tâm lý và tương tác xã hội của cô, và rồi 3 yếu tố này lại ảnh hưởng tác động lên nhau, lặp đi lặp lại.
Tóm lại, ưu điểm của mô hình Tâm-sinh-xã là xem xét sức khỏe và bệnh tật trong những bối cảnh khác nhau và trong một mối tương quan giữa các yếu tố dẫn đến vấn đề cụ thể của cá nhân. Để có thể điều trị thành công cho bệnh nhân A, bác sĩ không những phải thực hiện vật lý trị liệu để phục hồi cánh tay cho cô ấy, mà còn phải dùng các liệu pháp tâm lý làm giảm stress và giúp cô ấy hòa nhập xã hội. Từ đó cô A có thể trở lại với những sinh hoạt thường nhật của mình.
3. So sánh mô hình Tâm-sinh-xã với mô hình Y-sinh học:
Mô hình Y-sinh học | Mô hình Tâm-sinh-xã | |
Lý do đến khám | Bệnh nhân than đau ngực | Bệnh nhân than đau ngực |
Phương pháp | Tập trung vào những dấu hiệu thực thể của bệnh. Bác sỹ sẽ hỏi một vài câu hỏi về chế độ ăn uống, tiền sử cơn đau, tiền sử gia đình. Tuy nhiên, các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhồi máu cơ tim vẫn là giả thiết được nghĩ nhiều nhất | Mục đích là tìm ra các yếu tố tâm lý xã hội và thực thể gây ra cơn đau ngực. Bác sỹ có thể hỏi về những áp lực gần đây trong cuộc sống và các hành vi của bệnh nhân |
Chẩn đoán | Bác sĩ sẽ yêu cầu đo các chỉ số sinh tồn (nhiệt độ, mạch và huyết áp) và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng có thể làm cơ sở cho việc chẩn đoán | Dựa trên sự kết hợp giữa yếu tố tâm lý, các xét nghiệm cận lâm sàng cơ bản để có thể đưa ra chẩn đoán |
Điều trị | Bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị dựa trên căn nguyên sinh học (biological etiology) và cơ chế bệnh sinh (pathogenesis) |
Bác sĩ sẽ cùng thảo luận với bệnh nhân về những biện pháp can thiệp thích hợp, đặc biệt chú ý vào những hành vi và lối sống có thể làm ảnh hưởng đến cơn đau, cũng như yêu cầu bệnh nhân tuân thủ theo phác đồ điều trị. Bệnh nhân được cùng tham gia xây dựng và thực hiện kế hoạch, đồng thời duy trì mối quan hệ hỗ trợ với bác sĩ |
4. Cần làm gì để ứng dụng mô hình Tâm-sinh-xã:
Để áp dụng mô hình Tâm-sinh-xã vào trong tiếp cận và điều trị bệnh nhân, cần phải:
- Thừa nhận các mối quan hệ là trung tâm, từ đó có thể đưa ra các biện pháp chăm sóc sức khoẻ phù hợp
- Coi sự tự nhận thức như một công cụ chẩn đoán và điều trị
- Tìm hiểu bối cảnh cá nhân đặt trong hoàn cảnh sống
- Xem xét trong trường hợp của bệnh nhân, khía cạnh nào của các lĩnh vực sinh học, tâm lý và xã hội là quan trọng nhất
- Nhìn nhận, thấu hiểu và động viên sức khoẻ của bệnh nhân
- Đưa ra các phương pháp điều trị đa diện nhiều chiều.
Psycho but Cute
Nguồn dịch và tổng hợp:
- http://study.com/academy/lesson/what-is-the-biopsychosocial-model-definition-example.html
- https://www.mheducation.co.uk/openup/chapters/9780335243839.pdf
- http://brainblogger.com/2006/02/15/bps-the-biopsychosocial-model-of-health-illness/